3 LẦN GỌI VỐN TRIỆU ĐÔ THÀNH CÔNG

Vntrip.vn của chúng tôi đã huy động vốn thành công từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding với mức định giá 1000 tỷ VNĐ. Đây đã là lần thứ 3, doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của CEO 8X Lê Đắc Lâm đã nhận được khoản vốn triệu đô từ những nhà đầu tư quốc tế.

3 lần gọi vốn triệu đô thành công, CEO Vntrip.vn vẫn thừa nhận: “Tôi thấy nghẹt thở như cơm bữa”

Lần thứ 3 liên tiếp được rót vốn trong vòng 3 năm, chú chuồn chuồn của anh làm được điều mà không phải start-up nào cũng dám mơ. Cảm xúc của anh hiện giờ có khác gì nhiều so với lần được nhận 3 triệu USD vào năm 2016 không?

Dù là lần thứ mấy thì tôi vẫn cảm thấy “rung động” như lần đầu. Gọi vốn không phải là một việc làm đơn giản và quá trình đàm phán cũng như hoàn tất thủ tục, hồ sơ có những lúc kéo dài cả năm nên khi hoàn thành được lúc nào cũng cảm thấy rất tuyệt vời.

Nếu gọi vốn khó khăn như vậy, lại kéo dài cả năm trời, mà Vntrip vẫn thành công tới 3 lần chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, liệu có thể cho rằng anh có bí quyết riêng khiến các ông lớn nước ngoài phải “cưng chiều”?

Tôi nghĩ, trong kinh doanh khó có thể nói rằng ai đó “cưng chiều” mình. Về cơ bản, mọi quyết định đều dựa trên quyền lợi. Trách nhiệm lớn nhất của tôi khi đi gọi vốn là làm sao thuyết phục được nhà đầu tư rằng “đầu tư vào Vntrip.vn sẽ mang lại lợi ích như họ kỳ vọng”. Nếu họ tin vào điều đó, họ sẽ đầu tư.

Cộng đồng khởi nghiệp vẫn thường truyền tai nhau về cái bẫy rót vốn triệu đô có thể gây nguy hại cho một start-up tiềm năng, và trên thực tế, nỗi lo này đã cụ thể hoá ở không ít trường hợp tại Việt Nam. Vậy mỗi lần rơi vào trạng thái “bỗng dưng có nhiều tiền” ấy, anh có gặp rủi ro nào và điều gì đã giúp anh vượt lên để tiếp tục sống chung cùng “cá mập” trong những tình huống “nghẹt thở”?

Tôi chưa bao giờ nghĩ chúng tôi có nhiều tiền. Vì khái niệm “nhiều” hay “ít” là tương đối, bởi các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đôla để đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Khi nhận thức được đối thủ có nhiều tiền hơn thì chúng tôi luôn xác định: nếu muốn cạnh tranh được, mình phải tìm cách tiêu tiền một cách thông minh và hiệu quả hơn họ. Còn nói về “nghẹt thở” thì khi bạn làm start-up, bạn sẽ thấy cảm giác đấy như cơm bữa.

Nhưng thành thật mà nói, nếu làm start-up mà không phải đối mặt với những lúc như thế mới là đáng lo ngại, vì như vậy chứng tỏ mình chưa tự đẩy mình đến giới hạn cao nhất, chưa thực sự “sống chết” cùng đứa con mình.

Người ta có câu nói vui là “khi làm CEO của một start-up, bạn sẽ ngủ như một đứa trẻ sơ sinh vì cứ 2 tiếng bạn sẽ tỉnh giấc và bật khóc một lần”. Nói là vui vậy chứ tôi thấy câu đó rất thật (cười).

 3 lần gọi vốn triệu đô thành công, CEO Vntrip.vn vẫn thừa nhận: “Tôi thấy nghẹt thở như cơm bữa” - Ảnh 1.

CEO của Vntrip.vn Lê Đắc Lâm.

Tại thị trường Việt Nam, các OTA (Online Travel Agent) thương hiệu toàn cầu đang chiếm ưu thế rất mạnh, vậy thì Vntrip có điểm khác biệt nào với Agoda.com hay Booking.com để cạnh tranh?

Ngoài những lợi thế về thuận tiện thanh toán, đón sân bay miễn phí hay chăm sóc 24/7 thì chúng tôi đang tập trung vào việc tối ưu giá phòng khách sạn trên Vntrip.vn để mang tới sự lựa chọn về giá tốt hơn nữa cho khách hàng. Thực tế, nếu so sánh, ở nhóm khách sạn tầm trung tại Việt Nam, chúng tôi đang có giá rẻ nhất và luôn chạy nhiều chương trình ưu đãi nhất.

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu thêm với phân khúc khách sạn cao cấp. Đó cũng là chính sách bán hàng của Vntrip.vn – Ở đâu có giá rẻ hơn thì chúng tôi sẽ bán bằng giá và tặng thêm dịch vụ đi kèm.

Định hướng lâu dài của Vntrip.vn là cứ có phòng giá rẻ thì khách hàng sẽ tìm đến, cứ cung cấp dịch vụ tốt thì khách hàng sẽ quay lại. Đến thời điểm hiện tại, định hướng đó đang rất hiệu quả.

Cạnh tranh về giá và ưu đãi như vậy có phải là nguyên nhân khiến Vntrip đang có số lỗ luỹ kế lên tới 101 tỷ đồng? Lỗ nhiều như vậy thì lời giải thích nào sẽ là hợp lý cho mức định giá 1.000 tỷ đồng của đối tác đến từ Thuỵ Sỹ?

Làm thương mại điện tử thì việc lỗ trong những năm đầu là chuyện bình thường. Các công ty lớn nhất thế giới như Amazon, Google, Facebook hay Booking cũng có nhiều năm chịu lỗ hàng tỷ USD trước khi bắt đầu có lãi.

Việc lỗ này cũng không có nghĩa là công ty làm ăn không hiệu quả, mà nhiều khi nó là lựa chọn giữa việc “muốn có lãi ngay hay muốn tiếp tục tăng trưởng để giành thị phần”.

Tất nhiên, làm ăn thì phải hướng đến lợi nhuận và trong lĩnh vực thương mại điện tử, một khi đã có được thị phần đủ lớn rồi thì việc có lãi là không khó và số lãi đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác, vì về cơ bản tỷ lệ tăng trưởng doanh thu sẽ nhanh hơn chi phí.

Đối với lĩnh vực du lịch trực tuyến, chi phí vận hành thậm chí còn thấp hơn các lĩnh vực thương mại điện tử khác vì chúng tôi không phải lo khâu vận chuyển và kho bãi, nên một khi đạt được đủ quy mô thì có thể chỉ cần 1 năm sẽ thu hồi được tất cả vốn đã bỏ ra. Chính vì vậy làm thương mại điện tử nếu không sẵn sàng chi mạnh tay trước mà đã mong có lãi ngay thì sẽ khó có thể thành công được.

Trước khi có cá mập rót vốn, anh lấy tiền từ đâu để khởi nghiệp?

Khi thành lập công ty, tổng số vốn bỏ ra ban đầu của chúng tôi là khoảng 16 tỷ. Trong đó phần lớn tiền do anh Huy Nhật, đồng sáng lập với tôi, và một số anh em khác cùng chơi với nhau bỏ ra. Anh Nhật cũng chính là người đã đưa ra ý tưởng muốn thành lập công ty đặt phòng khách sạn trực tuyến ở Việt Nam giống như Ctrip (công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc với định giá 30 tỷ USD). Chính vì vậy, chúng tôi lấy tên Vntrip.vn đặt cho dự án của riêng mình.

Vốn xuất thân trong một gia đình có điều kiện, từng làm việc ở một vị trí cao trong công ty lớn, nhưng lại bỏ tất cả để lập dự án riêng của mình, để rồi như anh nói, có lúc sẽ “ngủ như một đứa trẻ sơ sinh vì cứ 2 tiếng tỉnh giấc và bật khóc một lần”, phải nghẹt thở mỗi ngày. Vậy, đến lúc này, anh có nuối tiếc gì không?

Tôi chưa bao giờ cảm thấy phải nuối tiếc điều gì cả vì bản thân luôn cố gắng nhìn mọi thứ một cách tích cực. Ngày xưa, có lần đi vào chùa, bị người ta lấy cắp mất đôi giày, tôi cũng chỉ nghĩ “mình may mắn vì hôm đó trời không mưa và có thể đi bộ về nhà mà không bị ướt chân”.

Cho nên, kể cả nếu ngày mai có phải thất bại thì tôi cũng không có gì nuối tiếc cả và tôi coi đó cũng sẽ lại là một bài học quý để rút kinh nghiệm, để tôi sẽ làm lại từ đầu. Đối với tôi, chỉ cần có sức khỏe và một gia đình hạnh phúc thì tất cả những thứ khác mình cũng sẽ vượt qua được hết.

@Nguồn: Cafebiz.vn: https://cafebiz.vn/3-lan-goi-von-trieu-do-thanh-cong-ceo-vntripvn-van-thua-nhan-toi-thay-nghet-tho-nhu-com-bua-20180828131724943.chn